Đào tạo khởi nghiệp từ Thế giới Marketing

Rất nhiều người khởi nghiệp bắt đầu xuất phát với ước mơ hoài bão, nỗ lực tiến bước trong hành trình nhưng lại kết thúc bằng thất bại thảm hại. Với nhiều người đã từng trải qua điều này, họ nhận ra quá trình khởi nghiệp như những lần hành xác. Và với nhiều người trong số đó, thật không may, sự hành hành xác thậm chí còn bị lặp lại nhiều lần.
Dựa trên việc phân tích chính những trường hợp bản thân đã tư vấn trong suốt 7 năm qua, Hân đã tìm ra 3 lý do hàng đầu khiến startup thất bại ngay trong 6 tháng khởi nghiệp – giai đoạn vô cùng quan trọng và cũng rất nguy hiểm, có tính chất quyết định đến sự sống sót lâu dài của startup. Hy vọng những chia sẻ của Hân dưới đây sẽ có thể gợi ý nhiều bài học cho bất ai đang dự định hoặc đang bước vào hành trình startup của mình.
1. Thất bại do không hoạch định tài chính
Tài chính nói chung và hoạch định tài chính nói riêng là vô cùng cần thiết đối với bất kỳ một doanh nghiệp nào, và nó đặc biệt quan trọng với startup trong giai đoạn đầu. Tuy nhiên trên thực tế, hầu hết startup lại không quan tâm đến tài chính, bỏ qua công việc hoạch định tài chính. Đó là cốt lõi dẫn đến sự thất bại.
Hoạch định tài chính là quá trình phát triển các kế hoạch tài chính ngắn hạn cũng như dài hạn nhằm đạt được các mục tiêu của doanh nghiệp. Bằng cách đó, hoạch định tài chính mang lại cho doanh nghiệp những lợi ích sau:
– Đánh giá được tính khả thi của hoạt động kinh doanh để ra quyết định triển khai hợp lý, hiệu quả.
– Phân tích được sự khác biệt giữa kỳ vọng và thực tế, nhìn nhận được mình đang làm tốt những gì, đang làm sai ở đâu để kịp thời đưa ra các điều chỉnh cần thiết.
– Dự báo các yêu cầu tài chính, biết phải cần bao nhiêu tiền và khi nào thì cần sử dụng tiền, nguồn tiền đang ở đâu, thiếu hụt ra sao,… từ đó quyết định phân bổ dòng tiền hợp lý, huy động kịp thời khi cần thiết.
– Thu hút các khoản đầu tư và tài trợ, dễ dàng trong huy động vốn.
Như vậy, nếu thiếu hoạch định tài chính, doanh nghiệp sẽ không biết nên đầu tư, triển khai hoạt động như nào cho hợp lý, chi tiêu lãng phí, đứt gãy dòng tiền, thâm hụt tiền, bị động trước những rủi ro tài chính,… Đây là gốc rễ, mầm mống của sự thất bại!
2. Thất bại do Marketing yếu kém, nghèo nàn
Đã qua rồi cái thời “hữu xạ tự nhiên hương”, có sản phẩm tốt, dịch vụ tốt thì khách hàng tự tìm đến. Trong thời buổi cạnh tranh gay gắt này, muốn kinh doanh thành công, doanh nghiệp phải tự mình tìm kiếm khách hàng chứ không phải đợi khách hàng tìm đến.
Nếu startup không coi trọng marketing hoặc chiến lược marketing quá nghèo nàn, thiếu đầu tư thì rất khó có thể sống sót ngay từ những giai đoạn đầu tiên, chứ chưa nói đến muốn tồn tại lâu dài trong giới kinh doanh hiện đại.
3. Thất bại do nhân sự chưa phù hợp, không chất lượng, chưa đủ mạnh
Một trong các chìa khóa then chốt trong việc thành lập doanh nghiệp đó chính là nhân sự. Nhiều công ty khởi nghiệp ban đầu chỉ có quy mô tầm 5 – 7 nhân viên nhưng toàn các cá nhân xuất sắc, đa năng và làm được nhiều đầu việc nên phát triển rất nhanh.
Ngược lại, nếu công ty có đội ngũ nhân viên hiệu suất làm việc thấp, phải thuê nhiều người chỉ để làm các công việc giống nhau thì lúc này doanh nghiệp cần xem lại hệ thống nhân sự của mình. Đây là yếu tố mà ít nhà kinh doanh nhận ra cho đến khi quá muộn, lại có thể tiết kiệm nguồn nhân lực cho công ty.
Vậy nên, quản trị nguồn nhân lực không tốt, không có kế hoạch xây dựng đội ngũ nhân sự hiệu quả thì sẽ khiến mất nhiều chi phí, thời gian, tiền bạc cho việc tìm kiếm nhân sự phù hợp, công việc triển khai không hiệu quả, không năng suất. Tốn tiền mà công việc vẫn ì ạch, sớm muộn startup cũng không thể gồng gánh và trụ nổi trên thương trường!
Đó là những nguyên nhân rất cơ bản nhưng cũng rất phổ biến đối với thất bại của startup mà chính bản thân Hân đã rút ra sau quá trình làm việc cùng rất nhiều startup. Muốn tránh và giải quyết được những nguyên nhân này, đòi hỏi startup cần sự đầu tư nghiêm túc, kiên trì và lâu dài.